• Chia Sẽ Kinh Nghiệm Học CADCAM | Cực hữu ích cho dân CADCAMCNC

    Reporter: mechanicalVn
    Published: Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019
    A- A+
    Chia Sẽ Kinh Nghiệm Học CADCAMCNC
    Chào mừng bạn đến với website của chúng tôi , một chuyên trang chuyên chia sẽ về tài liệu phần mềm kỹ thuật dành cho cộng đồng CADCAMCNC , Tất nhiên với người mới thì nên biết rõ CADCAMCNC Là Gì ? và tại sao lại nên biết rõ CADCAMCNC , hay tổng quan về cad/camcnc là gì? Những vấn đề này chúng tôi coi như bạn đã hiểu .


    Và bài viết này chúng tôi xin trích dẫn lại chia sẽ rất hữu ích của tác giả Hoàng Khương , Hãy cùng đọc và suy nghẫm .

    Tôi bắt đầu tiếp xúc với CAD/CAM từ năm 2002 và suốt 15 năm qua, tôi chỉ tốn đúng 420k để học 100 tiết AutoCAD (2D + 3D). Tất cả những phần mềm tôi sử dụng như PTC Creo Parametric, Cimatron, Solidworks, HyperMill … tôi đều tự học. Ngày xưa việc học phần mềm khó khăn hiện nay rất nhiều. Những cái khó có thể kể đến như:

    Phần mềm rất khó dùng: ai từng dùng qua Pro/Engineer 2000i sẽ biết giao diện nó khủng cỡ nào. Click sai chuột một cái có khi phải kill process hay thậm chí khởi động lại máy tính mới mong thoát khỏi cái mớ Menu Manager của nó
    Thiếu tài liệu: sách vở viết về CAD/CAM rất ít và mạng internet cũng chưa phổ biến và tốc độ nhanh như hiện nay. Nếu như bây giờ tôi không hiểu vấn đề gì thì chỉ cần vô Youtube gõ từ khóa vào là ngay lập tức có được hướng dẫn cần thiết (theo thống kê cá nhân thì hơn 50% trường hợp tôi tìm thấy chính xác thứ mình đang cần)

    Có rất ít trung tâm CAD/CAM: không như bây giờ khi mà các trường đại học đều được trang bị phòng máy tính để dạy trong giờ và ngoài giờ và vô số trung tâm tin học khác, thời tôi bắt đầu học Pro/Engineer 2000i cả Sài Gòn chắc chỉ có trung tâm của thầy Thực nhưng học phí cho 10 buổi học còn mắc hơn 1 năm tôi học ở trường Cao Thắng @_@
    Cộng đồng CAD/CAM Việt Nam chưa phát triển: mãi đến năm 2007 thì diễn đàn Cơ khí & Vật Liệu Meslab mới ra đời và trở thành sân chơi cho giới CAD/CAM Việt Nam còn những năm 2002-2006, tôi hầu như phải ngụp lặn trong những trang web nước ngoài để góp nhặt từng mẫu kiến thức cho bản thân.

    Vậy tôi đã học như thế nào ?
         Có thể tóm gọn quá trình tự học CAD/CAM của tôi bằng 2 từ "chịu khó". Bí kíp khi đó của tôi là 2 cuốn tự học Pro/Engineer 2000i của thầy Thực. Sách thầy viết rất chi tiết nhưng với một người mới học như tôi, sự chi tiết đó khiến tôi như lạc vào một mê cung. Đọc, làm, gặp lỗi thì thử lại. Vài lần không được thì gác lại khi khác sẽ thực hành lại. Rồi tôi lên mạng tìm những model được cộng đồng chia sẻ. Model nào không có lịch sử thiết kế thì bỏ qua, model nào có lịch sử thiết kế thì mở ra coi từng cái feature, vừa học công cụ, vừa thử mô phỏng lại tư duy của người thiết kế.

         Tuy vất vả và tiến độ ban đầu rất chậm nhưng tôi dần dần trang bị cho bản thân một khả năng tự học phần mềm rất tốt. Về sau, kỹ năng này giúp ít tôi rất nhiều trong việc đào tạo và hỗ trợ khách hàng sử dụng phần mềm. Bởi lẽ tôi không thể biết toàn bộ tính năng của phần mềm nhưng tôi biết những tính năng khách hàng yêu cầu (nếu có) sẽ phải nằm ở đâu hay phải phối hợp các công cụ như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

    Lời khuyên cho các bạn trẻ!
         Ngày nay việc học phần mềm đã thuận lợi hơn rất nhiều bởi những khó khăn như tôi nêu ở phần đầu hầu như đã được khắc phục triệt để nhờ sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng công nghệ thông tin và sự lớn mạnh của cộng đồng người dùng. Tuy nhiên, sự tiện nghi đó lại mang đến một bất lợi là khiến các bạn trở nên thụ động hơn. Lướt qua các diễn đàn, tôi gặp rất nhiều câu hỏi rất ngây ngô mà đáng ra các bạn hoàn toàn có thể giải quyết được nếu như chịu khó động não một chút. Việc chia sẻ tài liệu cũng vậy, thấy ai share gì cũng download và tôi đoán hầu hết các bạn không hề đọc hết những tài liệu đó.

    Vậy làm sao để khai thác tiện nghi công nghệ trong khi vẫn bảo đảm được tính chủ động khi học tập ?
    1. Xác định rõ yêu cầu và năng lực bản thân. Trả lời cho được hai câu hỏi "Tại sao tôi phải học phần mềm A, B, C và kết quả đạt được sau khi tôi học là gì ?" và "Tôi đã biết dùng phần mềm nào rồi, nó có giúp ích được gì cho tôi không ?". Xác định rõ hai yếu tố đó sẽ giúp bạn đề ra mục tiêu cụ thể và thời gian hoàn thành nội dung cần học.
    2. Nắm thật chắc yêu cầu của từng lệnh trong phần mềm. Ví dụ, muốn đùn khối bằng lệnh Extrude thì phải chắc chắn rằng bạn đã có một tiết diện kín và chúng không cắt nhau hoặc có những phân đoạn nằm chồng lên nhau. Bí kíp của tôi là "không bao giờ bắt phần mềm làm một việc mà bản thân mình không làm được"
    3. Thường xuyên đặt câu hỏi theo chuỗi : Tôi muốn làm gì ? >> Các tôi muốn sẽ phải thực hành bằng lệnh nào ? >> Lệnh đó có những yêu cầu gì ? >> Những yêu cầu đó đã có đủ chưa ? Lối truy vấn này vừa giúp các bạn hệ thống lại lí thuyết của phần mềm vừa rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề (có thể áp dụng cho nhiều tình huống khác trong cuộc sống).
    4. Nếu cần sự giúp đỡ của cộng đồng thì nên có thái độ cầu thị và đặt câu hỏi một cách thông minh để người khác không cảm thấy bạn là một người lười biếng, không muốn động não. Tuy nhiên trước khi đặt câu hỏi, hãy thử tham khảo trên Youtube vì theo kinh nghiệm của tôi, 90% cái mà tôi cần tìm đều có sẵn trên Youtube. Quan trọng là bạn phải gõ đúng từ khóa tìm kiếm để có được kết quả chính xác nhất.
    5. Nếu muốn tìm thêm tài liệu nên tìm trên Google và các diễn đàn trước khi đăng bài hỏi tìm tài liệu. Trong trường hợp viết email xin tài liệu, hãy tỏ ra có thành ý một chút. Tức là nên giới thiệu sơ bộ về bản thân và nói rõ cần xin tài liệu phần mềm gì, modulde nào dùng vào mục đích gì. Mỗi năm tôi nhận được cả trăm email xin tài liệu và đến cái tiêu đề email cũng không có, trong email thì có mỗi một dòng "Anh có tài liệu  phần mềm A, B, C không, cho em xin ?". Nếu là bạn, bạn có sẵn lòng chia sẻ cho tác giả những email đó không ?

         Chúc các bạn thành công
         Hoàng Khương